Kinh Thời Gian Xuất Thế của Đức Phật Từ Thị

Ngài Thu Lộ Tử là vị đệ tử trí tuệ đệ nhất của Phật.

Với lòng từ bi thương xót chúng sanh, ngài đi đến trước chỗ của Phật, hai gối quỳ, chắp tay và thưa hỏi rằng:

"[Thưa Thế Tôn!] Đức Phật thường nói, sau khi Phật diệt độ, tiếp đến Đức Phật Từ Thị sẽ xuất hiện ở thế gian. Con nay rất muốn nghe việc đó từ Đức Phật."

Đức Phật bảo:

"Khi Đức Phật Từ Thị sắp xuất hiện ở thế gian, lúc ấy đất đai, núi non, và cỏ cây ở trong châu Thắng Kim đều cháy rụi. Như hiện tại diện tích của mặt đất ở châu Thắng Kim là 600.000 dặm. Khi Đức Phật Từ Thị xuất hiện ở thế gian thì đất đai ở châu Thắng Kim, đông tây dài 400.000 dặm, nam bắc rộng 320.000 dặm. Ở trên đất đều mọc ra năm loại trái cây, khắp nơi chẳng có núi đồi, khe suối, hay thung lũng; mặt đất bằng phẳng như đá mài và cây cối to lớn.

Vào thời bấy giờ sẽ có rất nhiều dân chúng và họ rất ít tham dục, sân hận, hay si mê. Xóm làng gần kề và chỉ cách xa bằng tiếng gà kêu. Loài người sống đến 84.000 năm. Khi người nữ được 500 tuổi thì họ mới xuất giá. Dân chúng đều chẳng có bệnh thống khổ.

Ở khắp quốc độ ấy, duy chỉ có ba bệnh:

1. cần phải đại tiểu tiện
2. cần phải ăn uống
3. phải bị già yếu

Khuôn mặt của họ có màu sắc như hoa đào và ai nấy đều kính trọng lẫn nhau.



Lúc đó sẽ có một thành quách tên là Diệu Tràng Tướng, là kinh đô của quốc độ kia. Tường thành có chu vi là 480 dặm, làm bằng đất và che với ván gỗ. Tường thành đó lại được trang trí bằng vàng, bạc, lưu ly, thủy tinh, và trân bảo. Ở mỗi phía của bốn mặt thành đều có 12 cổng. Trên cổng đều có khắc chạm, lại được trang trí bằng vàng, bạc, lưu ly, thủy tinh, và trân bảo.

Lúc bấy giờ sẽ có một luân vương tên là Loa, thống lãnh bốn châu thiên hạ. Khi muốn đến nơi nào, nhà vua liền bay đến đó và nhân dân quỷ thần đều nhường qua một bên.

Lúc đó sẽ có bốn kho tàng.

Kho tàng thứ nhất toàn là vàng, có một con rồng canh giữ, tên là Elāpattra [ê la bách tra] và sẽ bảo hộ vàng ở đó. Nơi cư ngụ của rồng ở trên một ngọn núi thuộc nước Hương Lâm.

Kho tàng thứ nhì toàn là bạc. Ở trong nước đó cũng lại có một con rồng canh giữ, tên là Pāṇḍuka [ban đu ca].

Kho tàng thứ ba toàn là minh nguyệt trân châu, ở trong nước Suraṣṭa [su ra sờ ta], và có một con rồng canh giữ trân bảo ở đó, tên là Piṅgala [bin ga la].

Kho tàng thứ tư toàn là lưu ly và ở trong nước Lộc Dã.



Lúc bấy giờ sẽ có một vị Phạm Chí tên là Thiện Tịnh. Ngài sẽ là cha của Từ Thị Bồ-tát. Còn mẹ của Từ Thị Bồ-tát tên là Tịnh Diệu. Từ Thị Bồ-tát sẽ sanh vào dòng dõi Phạm Chí và làm con của họ.

Từ Thị Bồ-tát có 32 tướng và 80 vẻ đẹp. Thân cao 16 trượng. Khi Từ Thị Bồ-tát hạ sanh ở trong thành đó, nhãn thị có thể thấy khắp 10.000 dặm. Trên đầu có vầng hào quang và chiếu soi 4.000 dặm.

Lúc bấy giờ, Từ Thị Bồ-tát sẽ đi đến và ngồi ở dưới cội Đạo thụ Long Hoa. Cây đó cao 40 dặm và cũng rộng 40 dặm. Vào mùng tám tháng Tư, khi ngôi sao minh tướng ló dạng, ngài sẽ đắc Đạo thành Phật. Lúc bấy giờ sẽ có 84.000 Phạm Chí đến chỗ của Đức Phật Từ Thị để phụng sự. Họ đều rời gia đình và xin làm Đạo Nhân.

Khi nghe được Từ Thị Bồ-tát thành Phật, vua Loa liền dẫn theo 84 tiểu vương, họ đều từ bỏ quốc gia vương vị và ủy phó vương quốc cho thái tử, rồi đồng đến chỗ của Đức Phật Từ Thị. Họ đều cạo bỏ râu tóc và trở thành Đạo Nhân.

Lại có 1.800 Phạm Chí đều đến chỗ của Đức Phật Từ Thị và xin làm Đạo Nhân. Cha mẹ của Đức Phật Từ Thị cũng ở trong số đó.

Lại có 1.084 thánh Phạm Chí cũng đều đến chỗ của Đức Phật Từ Thị và xin làm Đạo Nhân.

Ở trong nước đó có một đại phú trưởng giả, mọi người gọi là Thiện Thí. Ngài cũng bảo dân chúng lấy vàng dâng lên cho Đức Phật Từ Thị cùng chư Tăng. Bấy giờ, danh hiệu của Phật ngày càng lan xa khắp nơi. Trưởng giả Thiện Thí lại dẫn 14.000 thiện nam tử đến chỗ của Đức Phật Từ Thị và xin làm Đạo Nhân.

Lại có hai anh em. Người anh tên là Tiên Thọ. Người em tên là Túc Cựu.

Hai anh em đều nói rằng:

'Chúng ta làm gì ở trên cõi đời này? Chúng ta tốt hơn cùng đến chỗ của Phật và xin làm Đạo Nhân.'

Hai anh em lại nói rằng:

'Vậy chúng ta hãy mau đến chỗ của Đức Phật Từ Thị và xin làm Đạo Nhân.'

Lại có 84.000 tiểu nữ nhân bối. Họ đều mặc y phục xinh đẹp, lại đeo bạch châu, vàng bạc, và chuỗi ngọc trên thân.

Khi đã cùng đến chỗ của Đức Phật Từ Thị, họ đều cởi trang sức trên mình xuống và thưa với Phật rằng:

'[Thưa Thế Tôn!] Chúng con muốn cầm các trân bảo này dâng lên cho Đức Phật cùng chư Tăng. Chúng con cũng muốn theo Phật và xin làm Bhikṣuṇī [bíc su ni].'

Đức Phật liền thu nhận họ để trở thành Bhikṣuṇī.



Lúc bấy giờ Đức Phật Từ Thị ở giữa các vị Bhikṣu [bíc su]Bhikṣuṇī mà nói rằng:

'Những ai trong chúng đệ tử của Đức Phật Năng Tịch vào thuở xưa mà đọc tụng Kinh điển; những ai có lòng từ, siêng bố thí, hoặc không sân hận; những ai xây dựng chùa tháp hoặc cầm xá-lợi của Phật đặt vào trong tháp; những ai thắp hương, thắp đèn, treo lọng, rải hoa, tụng Kinh, trì giới, hoặc phát tâm chí thành--nay đều đến ở trong đại hội đây.'

Sau khi nghe Đức Phật thuyết Pháp, họ đều đắc Đạo ở dưới cội Đạo thụ Long Hoa.

Khi Đức Phật Từ Thị thuyết Pháp ở hội thứ nhất, 96 ức người sẽ đắc Đạo Ưng Chân.

Khi Đức Phật Từ Thị thuyết Pháp ở hội thứ nhì, 94 ức người sẽ đắc Đạo Ưng Chân.

Khi Đức Phật Từ Thị thuyết Pháp ở hội thứ ba, 92 ức người sẽ đắc Đạo Ưng Chân.

Lúc bấy giờ, chư thiên khắp trên không trung đều cầm hoa mà rải lên thân của Đức Phật Từ Thị.

Sau đó, Đức Phật Từ Thị dẫn các vị Ưng Chân vào thành Diệu Tràng Tướng, nơi kinh đô của luân vương. Khi đó, nhà vua dọn ẩm thực để cúng dường Phật trong nội cung. Bấy giờ toàn thành sẽ sáng rực và lúc tối cũng sáng như ban ngày.

Khi ngồi trên Pháp tòa ở trong cung, Đức Phật Từ Thị dạy rằng:

'Lời chẳng thể không nói ra. Đạo chẳng thể không tu học. Kinh chẳng thể không tán dương.'

Khi Đức Phật Từ Thị thuyết Pháp xong, các vị Bhikṣu cùng bách quan của nhà vua đều phụng trì Kinh giới của Phật và đều được vượt khỏi thế gian."

Đức Phật lại bảo như vầy:

"Khoảng 60 ức và 600.000 năm nữa thì Đức Phật Từ Thị mới hạ sanh."

Kinh Thời Gian Xuất Thế của Đức Phật Từ Thị


Dịch sang cổ văn: Tên người dịch đã thất lạc
Dịch sang tiếng Việt: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên Thuận
Dịch nghĩa: 1/2/2014 ◊ Cập nhật: 13/6/2021

Cách đọc âm tiếng Phạn

Elāpattra: ê la bách tra
Pāṇḍuka: ban đu ca
Suraṣṭa: su ra sờ ta
Piṅgala: bin ga la
Bhikṣuṇī: bíc su ni
Bhikṣu: bíc su
Đang dùng phương ngữ: BắcNam